Để khí lạnh có thể lan đều đến tất cả các vị trí trong kho lạnh bảo quản phải duy trì tuần hoàn gió. Kho lạnh có tuần hoàn gió tốt đảm bảo làm lạnh đều, đảm bảo chất lượng cho các thực phẩm hay hàng hóa được bảo quản trong kho lạnh.
Khi thiết kế và sử dụng chúng ta cần lưu ý một số điểm sau đây để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần hoàn gió trong kho lạnh bảo quản:
- Bố trí, sắp xếp hàng hợp lý
Hàng hóa trong kho lạnh phải được sắp xếp tuân thủ các điều kiện sau:
– Hàng hóa sắp xếp thuận lợi cho việc thông gió trong kho để tất các khối hàng đều được làm lạnh tốt.
– Thuận lợi cho việc đi lại, kiểm tra, xem xét;
– Hàng hóa sắp xếp đảm bảo nguyên tắc hàng nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.
– Sắp xếp hàng hóa theo từng khối, tránh nằm rời rạc khả năng bốc hơi nước lớn làm giảm chất lượng thực phẩm.
Hàng hóa sắp xếp trong kho lạnh bảo quản cần chú ý để chừa các khoảng hở hợp lý giữa các lô hàng; giữa lô hàng với tường, trần, nền kho để cho không khí lưu chuyển và giữ lạnh sản phẩm. Việc sắp xếp hàng hóa cách tường kho lạnh một khoảng còn có tác dụng không cho hàng nghiêng tựa lên tường, tránh việc làm bung các tấm panel cách nhiệt nếu quá nặng.
Hàng hóa sắp xếp trong kho lạnh cũng cần phải đảm bảo chừa các khoảng hở cần thiết cho người và các phương tiện bốc dỡ đi lại. Bề rộng này tuỳ thuộc vào phương pháp bốc dỡ và thiết bị thực tế. Nếu khe hở hẹp khi phương tiện đi lại va chạm vào các khối hàng có thể làm đổ mất an toàn và làm hư hỏng hàng hóa.
Không để hàng hóa phía dưới dàn lạnh để người vận hành dễ dàng xử lý khi cần thiết.
- Sử dụng hệ thống kênh gió để phân phối
Với các kho lạnh bảo quản có dung tích lớn, bảo quản khối lượng lớn hàng hóa, cần sử dụng các kênh gió để phân phối gió đều trong kho. Thiết kế kênh gió hợp lý sẽ giúp phân bố gió lạnh đều hơn đến nhiều vị trí trong kho.
- Xả tuyết dàn lạnh:
Không khí ngưng kết một phần hơi nước khi di chuyển qua dàn lạnh. Quá trình tích tụ càng lâu lớp tuyết càng dày. Hiện tượng bám tuyết ở dàn lạnh dẫn đến nhiều sự cố cho hệ thống lạnh như: Nhiệt độ kho lạnh không đạt yêu cầu, thời gian làm lạnh lâu, ngập dịch, cháy mô tơ… Nhiều đường tuần hoàn của gió trong dàn lạnh bị nghẽn, lưu lượng gió giảm, hiệu quả trao đổi nhiệt cũng giảm theo, trở lực lớn quạt làm việc quá tải và mô tơ có thể bị cháy. Trong một số trường hợp tuyết bám quá dày làm cho cánh quạt bị ma sát không thể quay được và sẽ bị cháy, hỏng quạt.
Sau đây là ba phương pháp dùng để xả tuyết dàn lạnh:
Dùng gas nóng: quá trình cấp nhiệt xả băng thực hiện từ bên trong, nên phương pháp này rất hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp xả băng bằng gas nóng cũng gây nguy hiểm do chỉ thực hiện khi hệ thống đang hoạt động, khi xả băng quá trình sôi trong dàn lạnh xãy ra mãnh liệt có thể cuốn theo lỏng về máy nén. Vì thế chỉ nên sử dụng trong hệ thống nhỏ hoặc hệ thống có bình chứa hạ áp.
Xả băng bằng nước: Phương pháp dùng nước hiệu quả cao, dễ thực hiện đặc biệt trong các hệ thống lớn. Mặt khác khi xả băng bằng nước người ta đã thực hiện hút kiệt ga và dừng máy nén trước khi xả băng nên không sợ ngập lỏng khi xả băng.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là khi xả băng, nước có thể bắn tung toé ra các sản phẩm trong buồng lạnh và khuyếch tán vào không khí trong phòng, làm tăng độ ẩm của nó, lượng ẩm này tiếp tục bám lại trên dàn lạnh trong quá trình vận hành kế tiếp. Vì thế biện pháp dùng nước thường sử dụng cho hệ thống lớn, tuyết bám nhiều, ví dụ như trong các hệ thống cấp đông.
Dùng điện trở: trong các kho lạnh nhỏ các dàn lạnh thường sử dụng phương pháp xả băng bằng điện trở.
Cũng như phương pháp xả băng bằng nước phương pháp dùng điện trở không sợ ngập lỏng. Mặt khác xả băng bằng điện trở không làm tăng độ ẩm trong kho lạnh. Tuy nhiên phương pháp dùng điện trở chi phí điện năng lớn và không dễ thực hiện. Các điện trở chỉ được lắp đặt sẵn do nhà sản xuất thực hiện.